Sáng 30-7, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng và tổ chức tài chính trên địa bàn TP. Cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, giải quyết nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều vấn đề của ngân hàng được đặt ra tại hội nghị…
Chấn chỉnh hoạt động, cơ cấu lại ngân hàng
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của các ngân hàng đạt 860.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. Tính riêng vốn huy động của 16 ngân hàng thương mại cổ phần 6 tháng đầu năm tăng trung bình 13%. Tuy nhiên, dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất vẫn ở mức cao, hơn 131.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17%, số còn lại là cho vay sản xuất kinh doanh.
Vấn đề mà hội nghị quan tâm là tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đang ở mức cao. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng nhà nước, liên doanh lại cao hơn các ngân hàng thương mại cổ phần. Điều đó khiến cho nhiều người lo ngại khi nhiều công ty vay vốn đầu tư vào các dự án bất động sản mà giờ đây đất động sản đóng băng, nguy cơ phá sản ở một số doanh nghiệp sẽ làm ngân hàng khó có khả năng thu hồi vốn hơn.
Lãi suất vẫn là vấn đề nóng, ông Nguyễn Ngọc Thắng thừa nhận, lãi suất có nhiều biến động, có ngân hàng huy động lãi suất không kỳ hạn lên đến 12%/năm, có một số ngân hàng vượt trần lãi suất huy động, vì vậy dẫn đến lãi suất cho vay ở mức cao. Hiện lãi cho vay sản xuất kinh doanh khoảng 18% – 20%/năm, cho vay phi sản xuất khoảng 21% – 24%/năm.
Sự mất cân đối giữa thời hạn huy động (hầu hết là 1 tháng) với thời hạn cho vay (hơn 1 năm) cũng dẫn đến rủi ro cho các ngân hàng… Lãnh đạo một số ngân hàng ví von rằng, chính sách tiền tệ như liều thuốc kháng sinh, mà dùng thuốc kháng sinh phải dùng ngắn hạn, đúng liều lượng chứ không thể duy trì dài hạn như hiện nay sẽ không có hiệu quả. Có thể nói, công cụ điều tiết của Nhà nước chưa hiệu quả, chỉ mới trị triệu chứng chứ chưa trị được căn nguyên. Bởi lãi suất không phù hợp với thực tế, đồng vốn chưa ổn định, dẫn đến rủi ro cao cho các ngân hàng.
Dù 6 tháng qua, ngân hàng nào cũng báo cáo có lãi, thế nhưng tại hội nghị, các ngân hàng vẫn kêu ca mình là nạn nhân của vòng xoáy khó khăn chung. Thậm chí, có ngân hàng còn đề nghị Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng nhỏ gặp khó khăn. Lãi suất huy động thì bị khống chế ở mức 14%/năm, trong khi lạm phát đến mức 17%/năm thì không thể đảm bảo lãi thực dương cho khách hàng. Nhưng một số ngân hàng khác bức xúc việc nhiều ngân hàng xé rào lãi suất khiến những ngân hàng nghiêm túc thực hiện quy định bị thiệt thòi, vì không giữ được nguồn vốn huy động.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, thời gian tới cần phải đánh giá lại chính xác, đúng thực chất hoạt động của các ngân hàng, từ đó chấn chỉnh những đơn vị vượt trần lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay cao, cạnh tranh không lành mạnh. Các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, qua đó các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ nhân sự vì thời gian qua mạng lưới ngân hàng phát triển nhanh nhưng nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu nên có nhiều cá nhân cố ý làm trái, sai phạm, làm thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến uy tín ngành ngân hàng.
Trong tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chịu phá sản thì những ngân hàng hoạt động kém hiệu quả cũng đến lúc phải tái cấu trúc lại để đảm bảo sức cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch.
Xem xét cho vay một số dự án bất động sản
“Trong tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nhưng các ngân hàng còn có lợi nhuận là điều đáng mừng” – đồng chí Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng nói tiếp: Ngân hàng hoạt động có hiệu quả, có lợi nhuận nhưng cũng bộc lộ rõ nét những khó khăn nên các ngân hàng cần phải có cơ cấu, chiến lược phù hợp để phát triển.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân hoan nghênh một số ngân hàng đã dành nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư. Bởi ở Việt Nam, đến 60% – 70% vốn của doanh nghiệp là từ ngân hàng, vay ngân hàng. Thế nhưng, giờ lãi suất cao như thế, các chi phí khác cũng cao sẽ đẩy doanh nghiệp vào khó khăn. Mà doanh nghiệp lâm vào khó khăn, phá sản thì cũng ảnh hưởng đến ngân hàng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng, để cùng sống còn, ngân hàng phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước về lãi suất, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực để đủ sức cạnh tranh. Nhưng bên cạnh cái lợi riêng của mình, các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp để cùng phát triển.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết sẽ nghiên cứu cho vay một số dự án bất động sản như nhà ở cho công nhân, sinh viên… Ngoài ra, trên thị trường có nhiều dự án bất động sản sắp hoàn thành, khả thi nhưng chúng ta lại ngưng cho vay một cách cơ học (vì đó là dự án phi sản xuất) thì sẽ làm đình trệ, gây lãng phí chung cho xã hội. Vì vậy, thời gian sắp tới, chúng ta phân loại từng sản phẩm bất động sản, xem sản phẩm nào khả thi thì cho vay, tránh rủi ro cho ngân hàng.
HÀN.NI
(Theo website Lê Hoàng Quân)