Chiều 14/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với thành phố về đề án giảm tải bệnh viện, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng thêm các bệnh viện để tăng số giường bệnh.
Trước hết, Bộ trưởng băn khoăn về một số dự án xây mới và mở rộng bệnh viện trên địa bàn TP HCM tiến độ quá chậm. “Tôi không hiểu vì lý do tế nhị gì mà kế hoạch xây dựng thêm các bệnh viện trên địa bàn TP HCM diễn ra quá chậm?”, bà Tiến đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc với TP HCM. Ảnh: Tá Lâm.
Đáp lại, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận giãi bày: “Đề án xây dựng Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 thật sự đã chậm 7 năm. Nguyên nhân không phải do thiếu vốn hay khâu giải phóng mặt bằng mà là do năng lực điều hành của bệnh viện và năng lực thiết kế của nhà thầu quá kém”.
Ông Thuận cũng cho biết hiện đã hủy đấu thầu và giao Sở Y tế trực tiếp điều hành dự án này, hy vọng với cách làm này, chỉ trong vòng 14-16 tháng nữa, dự án này sẽ hoàn thành.
Cách đây 7 năm, thành phố đã đưa ra phương án xây dựng ngay khu khám, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư hiện đại ở số 47 Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh) nhằm mở rộng diện tích phục vụ bệnh nhân hoặc xây dựng thêm một bệnh viện ung bướu mới, có sức chứa 1.000 giường, diện tích 10 ha tại quận 9. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu chỉ mới hoàn thành khâu chọn thiết kế và triển khai thiết kế cơ sở.
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, hiện trên địa bàn TP HCM có 7 dự án được đầu tư xây mới ở 4 cửa ngõ thành phố với tổng vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng nhằm giảm tải cho bệnh viện trung tâm bao gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi – Hóc Môn ở phía Bắc, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở phía Nam, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức ở phía Đông và Bệnh viện Nhi đồng thành phố ở phía Tây.
Với các dự án trên, vị Phó chủ tịch thành phố quả quyết rằng, đầu năm 2015, TP HCM sẽ có thêm 5.500 giường bệnh để phục vụ cho người dân.
Tuy nhiên đại diện Sở Y tế TP HCM cho rằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây mới và mở rộng các bệnh viện hiện nay quá chậm do đang chờ quyết định giao vốn của UBND thành phố. Một số dự án vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn…
Trước tình hình đó, Sở Y tế đề nghị UBND thành phố thành lập Tổ liên ngành để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án. Đồng thời, phân chia các dự án đã được ghi vốn trong năm thành các nhóm để có kế hoạch triển khai phù hợp.
Để giảm tải bệnh viện tại TP HCM, trong cuộc họp này, nhiều đại biểu đã góp ý kiến, chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề. Một là thí điểm xây dựng bệnh viện vệ tinh. Hai là chọn các bệnh viện tuyến quận huyện có công suất giường bệnh dư thừa thí điểm xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện chuyên khoa, đặt dưới sự quản lý của các bệnh viện này.
“Qua việc thí điểm xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện chuyên khoa ở tuyến quận huyện có thể giúp xây dựng thương hiệu của bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, có thể kéo được bệnh nhân về”, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc bệnh viện Nhi đồng I hiến kế.
Trước vấn đề thí điểm xây dựng bệnh viện vệ tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã làm mấy năm nay ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi ở Hà Nội và đã có kết quả rất tốt. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiến tới xây dựng bệnh viện vệ tinh tại TP HCM, chủ yếu là chuyển giao công nghệ, đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện được làm bệnh viện vệ tinh.
Còn vấn đề chọn các bệnh viện tuyến quận, huyện để làm cơ sở 2, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hình thức này có thể thực hiện được. “Cơ sở 2 nhưng giám đốc điều hành vẫn là của bệnh viện tuyến trên, chức năng của các cơ sở này phải ngang bằng với bệnh viện chuyên khoa. Như thế, bệnh viện tuyến quận, huyện vẫn giữ được thương hiệu và sẽ kéo được bệnh nhân về”, bà Tiến nói.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu TP HCM đẩy nhanh tiến độ mở rộng và xây dựng mới bệnh viện. Bộ cũng đưa một số giải pháp để giảm tải bệnh viện bao gồm mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng, tăng cường hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chế tài, xây dựng cơ chế về tài chính y tế, tăng cường nguồn lực cho tuyến dưới và giải pháp cuối cùng là truyền thông, giáo dục nhận thức cho nhân dân.
Trước yêu cầu này, Chủ tịch TP HCM Lê Hoàng Quân đã đề nghị Sở Y tế thành phố cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng và xây mới bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Tá Lâm
0 comments:
Đăng nhận xét