Các cảng biển phía Nam đang ở trong tình trạng quá tải. Xu hướng phát triển kinh tế khu vực ngày càng cao khiến áp lực đón nhận tàu, hàng cũng tăng. Chiến lược quy hoạch lại các cảng biển phía Nam của Chính phủ đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào lĩnh vực tiềm năng này. Chiều hôm qua, UBND TP HCM đã trao giấy phép thành lập Công ty cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), liên doanh giữa P&O Ports Saigon Holdings Limited (Anh) và Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Với tổng vốn đầu tư 249 triệu USD, trong đó P&O góp 80%, SPCT sẽ là cảng lớn nhất trong khu vực. SPCT thành lập theo giấy phép đầu tư số 2598/GP do Bộ Kế hoạch đầu tư cấp ngày 30/6, vốn pháp định 54 triệu USD. Tổng Giám đốc IPC Phan Hồng Quân cho biết, SPCT đầu tư khai thác cảng container tiêu chuẩn quốc tế với chiều dài tuyến bến 950m, rộng 40ha, công suất dự kiến đạt 1,5 triệu TEU (tương đương 30 triệu tấn). Sau khi nhận được giấy phép đầu tư, SPCT sẽ xây dựng 2 trong số 4 cầu cảng thuộc kế hoạch để đưa vào hoạt động trong năm 2008.
Ông Quân kỳ vọng, 10-15 năm tới, khi các bến cảng trong khu vực nội thành được di dời, cảng container trung tâm Sài Gòn sẽ đóng vai trò đầu tàu, tạo ra cửa ngõ quốc tế mới cho thương mại VN khi gia nhập WTO. Mục tiêu này càng khả thi hơn khi IPC cũng đang đầu tư xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước rộng 3.600ha ở huyện Nhà Bè, TP HCM nhằm thực hiện kế hoạch phát triển hướng ra biển Đông của thành phố. P&O, đối tác của IPC, là nhà điều hành cảng biển nổi tiếng với 27 cảng container tại 16 quốc gia và khu vực. Tháng 3 năm nay, DP World của Dubai đã mua lại cổ phần P&O để hình thành tập đoàn điều hành cảng lớn thứ 2 thế giới, có mặt tại 51 quốc gia, lãnh thổ. Tổng giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương P&O Ports Bryan Smith cho biết, cùng với việc thành lập SPCT, P&O đã có kế hoạch phối hợp với đối tác IPC hỗ trợ nạo vét lòng sông Soài Rạp để mở đường ra biển cho TP HCM. 352 triệu USD cho hai cảng biển đang chờ giấy phépHồ sơ hai dự án liên doanh mở cảng biển tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giữa Cảng Sài Gòn và tập đoàn Maersk A/S của Đan Mạch, Cảng Singapore, đã được trình Bộ Kế hoạch đầu tư chờ thẩm định, cấp phép. Dự kiến, Cảng Sài Gòn và Maersk A/S đầu tư 187 triệu USD để phát triển cảng ở thượng nguồn cảng Cái Mép – Thị Vải. Nếu được đưa vào hoạt động đúng kế hoạch vào năm 2010, cảng mới này gồm 2 cầu tàu sẽ có công suất bốc dỡ 950.000 TEU/năm. Với vốn đầu tư ít hơn, 165 triệu USD, nếu được Bộ Kế hoạch đầu tư chấp thuận, hai cảng Sài Gòn và Singapore sẽ liên doanh đầu tư một cảng biển ở hạ nguồn cảng Cái Mép – Thị Vải, dự kiến cũng hoàn tất vào năm 2010. Ở giai đoạn 2, liên doanh sẽ tăng thêm 133 triệu USD. Bốn cầu tàu sẽ được xây dựng tại cảng này có với khả năng bốc dỡ 1,5 triệu TEU hàng/năm. Vốn góp của Cảng Sài Gòn trong hai liên doanh đều là 51% cho mỗi dự án. Hiện nay bình quân hàng năm, Cảng Sài Gòn bốc dỡ khoảng 12 triệu tấn hàng hóa các loại. Dự kiến đến 2010, lượng hàng hóa quá Cảng Sài Gòn sẽ tăng đến 26 triệu tấn.
(Theo website Lê Hoàng Quân)
0 comments:
Đăng nhận xét