Sáng 29-8, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp thường kỳ với các sở – ban – ngành, quận – huyện về tình hình kinh tế – xã hội TP tháng 8, 8 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 9-2011.
Báo cáo của UBND TP cho biết tình hình kinh tế – xã hội TP trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2011 đã dần ổn định và đạt nhiều kết quả khả quan. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ; sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì; tiến độ các công trình, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị được đẩy mạnh, một số công trình đang được tập trung chỉ đạo để hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2011. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, huy động các ngành, các cấp, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đã góp phần giảm những khó khăn trước mắt trong một bộ phận nhân dân lao động nghèo, công nhân, nông dân, sinh viên – học sinh… An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì, ổn định.
Báo cáo cũng nhận định tuy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng thấp nhất trong 8 tháng đầu năm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Mặt khác, giá vàng và tỷ giá USD dao động với biên độ lớn, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất; bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao nên các doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh những tháng cuối năm 2011.
Trước tình hình kinh tế thế giới, trong nước còn biến động khó lường, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện các công việc trọng tâm sau: Tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2011; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì mức tăng trưởng hợp lý; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, đặc biệt sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2012; tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nhằm gia tăng tỷ trọng hàng sản xuất trong nước tiêu thụ trên địa bàn TP; tổ chức tốt hệ thống phân phối để điều tiết cung cầu, giá cả hàng hóa hợp lý, đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm điện, xây dựng ý thức tiết kiệm điện trong nội bộ cán bộ, công chức; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng cơ bản trên địa bàn, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án triển khai kéo dài, đã gia hạn tiến độ nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, ít hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung giải ngân hết số vốn đã được bố trí cho các dự án, công trình sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011.Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay- chân-miệng trong tháng 8 có giảm so với các tháng trước đó nhưng dự báo diễn biến còn rất phức tạp, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu ngành Y tế TP tiến hành các biện pháp kìm hãm đà tăng trưởng của dịch; phối hợp với hệ thống y tế ở cơ sở để giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch ở địa phương, đặc biệt chuẩn bị cho mùa khai trường năm học mới 2011-2012; ngành Giáo dục chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho lễ khai giảng năm học mới…
Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội TP trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2011:
- Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 38.695 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 23,9% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm ước đạt 291.448 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,68% so tháng trước và là tháng có mức tăng thấp nhất trong 8 tháng đầu năm; 8 tháng tăng 18,98% so với cùng kỳ và tăng 13,49% so với tháng 12-2010.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước thực hiện 2,53 tỷ USD, giảm 20,8% so với tháng trước và giảm8,9% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm ước đạt 18,28 tỷ USD, tăng 20,5%. Nếu không tính dầu thô, trị giá xuất khẩu tháng 8 ước đạt 1,73 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng trước và giảm 29,2% so với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 13,22 tỷ USD, tăng 11,4%.
- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 2,15 tỷ USD, tăng 2% so tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 16,76 tỷ USD, tăng 24,5%.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt 63.810 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 458.428 tỷ đồng, tăng 12%.
- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tháng 8 ước đạt 312,5 tỷ đồng; 8 tháng ước đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
- Doanh thu vận tải tháng 8 ước đạt 3.191,3 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 30,8% so với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 22.513,6 tỷ đồng, tăng 25,2%.
- Tổng lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 5,03 triệu tấn, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 37,98 triệu tấn, giảm 0,6%.
- Du lịch: lượng khách quốc tế đến TP trong tháng 8 ước đạt 264.000 lượt, tăng 10% so với với cùng kỳ; 8 tháng ước đạt 2,12 triệu lượt, tăng 10% và đạt 60% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch 8 tháng ước đạt 12.331 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; nếu bao gồm cả doanh thu nhà hàng đạt 36.383 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
- Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước thực hiện 132.324,6 tỷ đồng, đạt 74,4% dự toán, tăng 20,2% so cùng kỳ.
- Tổng chi ngân sách địa phương 8 thángước thực hiện 24.515,3 tỷ đồng, đạt 69,2% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ. Chi đầu tư phát triểnước thực hiện 13.114,7 tỷ đồng, tăng 3,6% so cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 11.175,5 tỷ đồng, tăng 18,9% so cùng kỳ.
- Tổng vốn huy động trên địa bàn TP đến cuối tháng 8 ước đạt 857,7 ngàn tỷ đồng, tăng 22,1% so cùng kỳ và tăng 6,4% so với đầu năm.
- Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 8 ước đạt 753,5 ngàn tỷ đồng, tăng 17,5%và tăng 6,3% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng tháng 8 tăng thấp hơn tháng trước và cùng kỳ, chủ yếu do khu vực ngoại tệ tăng chậm, điều này phù hợp với mục tiêu Nghị quyết số 11/NQ-CP đề ra là bảo đảm tốc độc tăng trưởng tín dụng dưới 20%.
- Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 8 tháng ước thực hiện 74.398 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
- Đầu tư trong nước: tính đến ngày 20/8/2011 đã cấp phép thành lập mới 16.539 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 101.434 tỷ đồng, tăng 2,92% về số lượng doanh nghiệpvà giảm 28,53% về vốn đăng kýso với cùng kỳ; 24.954 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với tổng vốn bổ sung là 129,56 ngàn tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký thành lập mới và vốn bổ sung là 231 ngàn tỷ đồng, tăng 10,06% so với cùng kỳ.
- Đầu tư nước ngoài: tính đến ngày 20/8/2011 có 207 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,74 tỷ USD, so với cùng kỳ giảm 11,16% về số dự án, tăng 30,78% về vốn; 76 dự án tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng 316,192 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư kể cả tăng vốn là 2,06 tỷ USD, tăng 39,92% so với cùng kỳ.
PV
(Theo website Lê Hoàng Quân)
0 comments:
Đăng nhận xét