Ông Lê Hoàng Quân dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển


Sáng 23-10, tại TPHCM, Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển và thành lập Lữ đoàn.

Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà; Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân cùng đại diện các gia đình tại những điểm tập kết vũ khí ở các tỉnh, thành phía Nam…

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chúc mừng các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chúc mừng các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cách nay 50 năm, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với nhiệm vụ mở đường chiến lược trên Biển Đông, vận chuyển vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật và đưa cán bộ chiến sĩ chi viện chiến trường miền Nam.

Hơn 10 năm liên tục, trên con đường biển mang tên Bác Hồ kính yêu, Đoàn 125 đã huy động gần 1.000 lượt tàu, di chuyển gần 4 triệu hải lý, vận chuyển hàng ngàn lượt người và hơn 100.000 tấn vũ khí, hàng hóa đến các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Định… Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó đô đốc Trần Thanh Huyền tin tưởng cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125 tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tập trung huấn luyện, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác tuần tra, nắm bắt kịp thời và làm chủ hoàn toàn tình hình.

Nhân dịp này,  Lữ đoàn 125 vinh dự đón nhận Huân chương Quân công hạng nhất của Chủ tịch nước. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung ương Đoàn, Thành đoàn TPHCM tặng nhà tình nghĩa, quà, sổ tiết kiệm… hỗ trợ thân nhân gia đình anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125.

Đêm 23-10, tại các địa danh Bến K15 (Đồ Sơn, TP Hải Phòng), Lữ đoàn 125 (Cát Lái, TPHCM) và Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức cầu truyền hình “Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tới dự tại 3 điểm cầu truyền hình có các đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân; Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân; Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Bùi Công Bửu.

Khán giả cả nước một lần nữa xúc động trong cuộc hội ngộ của các nhân chứng lịch sử giữa Đại tá Trần Phong và ông Năm “Khói lửa”, Năm Kỷ (ông Ngô Văn Tân), người còn lại duy nhất của tàu Phương Đông 1, con tàu đầu tiên chuyển 30 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau. Đại tá Trần Phong, người đã ghi lại đầy đủ tên, tuổi, ngày giờ khởi hành, cập bến của đoàn tàu không số trong 10 năm trời, đã bày tỏ lòng tri ân những đồng đội đã hy sinh trên đường vận chuyển vũ khí năm xưa và mừng vui với sự trưởng thành của lớp trẻ cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Hải quân Việt Nam hôm nay.

Khán giả còn chứng kiến buổi gặp gỡ thủy thủ tàu không số Lê Xuân Khảm với “Hoa hậu rừng đước”, cô Út Lợi, người còn gìn giữ nhiều kỷ vật của các CB-CS đoàn tàu không số. Các nhân chứng của đường Hồ Chí Minh trên biển đã hé lộ nhiều bí mật như: chỉ cần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát Tiểu đoàn 307 là biết “bến êm” (điểm tập kết an toàn) và bài Chiến thắng Điện Biên là biết “bến động” (không an toàn)… Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại, các chiến công của CB-CS đoàn tàu không số mãi mãi không phai mờ. Nhưng đối với họ, công lao của nhân dân các bến và ngư dân đã chở che, nuôi giấu CB-CS trong suốt chặng đường công tác còn to lớn hơn.

Sáng 23-10, tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ở Quảng Ngãi, các bến tại vùng biển Đức Phổ và Sa Kỳ – Ba Làng An được chọn làm nơi tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào qua đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cùng ngày tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), Đoàn Thanh niên Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã khởi công công trình tôn tạo, nâng cấp Bia tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây, vào đêm 27-1-1960 (đêm 30 Tết Canh Tý), chuyến tàu không số đầu tiên với 6 cán bộ, thuyền viên thuộc Tiểu đoàn 603 do trung úy Nguyễn Bất làm thuyền trưởng đã xuất phát, chở theo 5 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt và được coi là điểm khởi đầu của Đoàn tàu không số huyền thoại.

Cùng ngày tại chân núi Bà Nam, xã đảo Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tàu không số (mật số 235), con tàu đã quyết tử cùng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội, đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ngày 1-3-1968, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng  đồng đội đã vận chuyển 14 tấn vũ khí trên con tàu 235 đến vùng biển Hòn Hèo, xã Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Bị địch phát hiện, các anh quyết định cho nổ tàu, để bảo vệ bí mật tuyến đường, 14 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

NHÓM PV

(Theo SGGP)


(Theo website Lê Hoàng Quân)

0 comments:

Đăng nhận xét