Ngày 25-5, lãnh đạo TPHCM gồm các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đại diện các sở ngành TP đã gặp gỡ đại diện các trí thức tiêu biểu của TPHCM.
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học- Kỹ thuật TPHCM cho biết, với sự quan tâm của Chính phủ, Liên hiệp các hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam được thành lập với tư cách là tổ chức chính trị – xã hội đặc thù đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học. Như vậy, những người làm công tác nghiên cứu khoa học đã có “sân chơi” để đề xuất chủ trương, đường lối, chính sách trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu đã bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, đóng góp ý kiến để cùng với lãnh đạo TP hoạch định những chính sách, những chương trình lớn, giúp TP ngày càng phát triển. Các vấn đề được đưa ra thảo luận bên cạnh những nội dung mang tính khái quát cao cũng có những vấn đề khá cụ thể, là những trăn trở của nhiều người như: vấn đề môi trường, vấn đề giao thông, vấn đề thu hút đội ngũ trí thức, vấn đề đào tạo trí thức trẻ… Mong muốn của đa số đại biểu tại buổi gặp gỡ là cần có sự chặt chẽ hơn trong việc kết nối giữa lãnh đạo TP, các sở ban ngành với các hội chuyên ngành, để phát huy tối đa trí tuệ, sự đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học vào sự phát triển của TP và đất nước.
GS.TS Cao Minh Thì cho rằng: Các nhà khoa học, trí thức nói chung vốn rất tâm huyết, luôn mong muốn đóng góp công sức trí tuệ cho TP nhưng phải trên tinh thần lãnh đạo, các sở ngành TP lắng nghe và có phản hồi. Ông viện dẫn cụ thể những bất cập của TP đang phải đối mặt như kẹt xe, ngập nước… đều đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu, tuy nhiên, những ý kiến đó đã không được xem xét một cách thấu đáo. Để kêu gọi sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ông đề nghị lãnh đạo TP cần đề xuất cụ thể từng vấn đề trọng tâm cần các nhà khoa học góp ý, xem chuyện “nghe” trí thức góp ý là một “công đoạn” trong ban hành các chủ trương chính sách.
TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TPHCM cho rằng, muốn giới trí thức, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, tập hợp và đề xuất các giải pháp hữu ích cho TP thì nhất thiết phải có cơ chế làm việc cụ thể để đội ngũ trí thức, khoa học được đóng góp. Cơ chế đó có điều kiện thực thi ý kiến của nhà khoa học và thậm chí cho phép nhà khoa học cùng làm việc với bộ máy quản lý nhà nước, từ đó đưa ra được sản phẩm có giá trị thương phẩm của nhà khoa học có ích lợi cho sự nghiệp chung. Quy chế này phải phản ánh được vai trò của trí thức là tư vấn, phản biện và giám định ở nhiều lĩnh vực: xã hội, môi trường, giáo dục, đào tạo… Trong đó, trí thức phải được tôn vinh thông qua những đóng góp cụ thể của mình.
“Thực tế cho thấy, TPHCM không có nhiều tài nguyên thiên nhiên như những nơi khác nhưng có “tài nguyên con người” và tài nguyên quý giá ấy đã và đang được phát huy. Lãnh đạo TP cần tin tưởng giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho đội ngũ trí thức. Chỉ có chương trình hành động của trí thức theo đơn đặt hàng của lãnh đạo TP và có cơ chế, quy chế phối hợp lâu dài thì mới gọi là phát triển bền vững” – TS Trần Công Hoàng Quốc Trang nhấn mạnh.
Vấn đề đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức trẻ hiện nay cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Tại buổi gặp gỡ, nhiều đại biểu cho rằng TP cần quan tâm tới đội ngũ này phải thể hiện được sự quyết tâm cao trong việc thu hút nhân tài. Theo PGS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM: Hiện nay, các trường mới chỉ chủ yếu đào tạo dựa trên những cái mình có chứ chưa đào tạo được cái doanh nghiệp cần. Do đó, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo TP thì các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực với các trường. Có như vậy, chương trình đào tạo mới được cải thiện, mới có thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, của doanh nghiệp và theo đó doanh nghiệp cũng bớt được thời gian và tiền bạc để đào tạo lại nguồn nhân lực khi tuyển dụng lao động vào doanh nghiệp của mình làm việc.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải bày tỏ sự trân trọng, tiếp thu các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cho sự phát triển của TP. Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển của TPHCM, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng việc tập hợp, khai thác, phát huy vai trò, trí tuệ của đội ngũ trí thức, bao gồm cả đội ngũ trí thức của TP, trong nước, Việt kiều và người nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng mà TP đã và đang thực hiện.
“TP tin tưởng, cùng với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nỗ lực vượt khó của TP, đội ngũ trí thức với cách tiếp cận và tư duy mới mẻ, khoa học sẽ góp phần tích cực tham gia thực hiện 6 chương trình đột phá của TP, giúp TP thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhanh nhanh chóng đưa TP phát triển xứng tầm là một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình” – Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
(Theo www.lehoangquan.net)