TP. Hồ Chí Minh được Chính phủ xác định là 1 trong 2 trung tâm khoa học công nghệ lớn nhất cả nước. Đây là nơi đóng góp nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật, là điểm đến của nhiều tập đoàn, công ty thuộc lĩnh vực này trên thế giới.
Tiếp theo chương trình khảo sát và đánh giá thực trạng hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) tại TP. Hồ Chí Minh, sáng 15/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu thực tiễn của địa phương, từ đó, đề xuất các biện pháp để đưa KHCN trở thành đòn bẩy phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Chưa trở thành động lực cho phát triển
TP. Hồ Chí Minh được Chính phủ xác định là 1 trong 2 trung tâm KHCN lớn nhất cả nước. Đây là nơi đóng góp nhiều thành tựu nghiên cứu KHCN nổi bật, là điểm đến của nhiều tập đoàn, công ty hoạt động KHCN trên thế giới.
Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 193 tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động, bao gồm 38 tổ chức thuộc khu vực nhà nước, 38 tổ chức thuộc khu vực tập thể, 99 tổ chức thuộc khu vực tư nhân và 18 tổ chức khác. Tổng số vốn đăng ký hoạt động KHCN là trên 616 tỷ đồng.
Các kết quả nghiên cứu KHCN của TP. Hồ Chí Minh đã được ứng dụng trên hầu hết các lĩnh vực mà nổi bật nhất là công nghiệp phần mềm, công nghiệp sinh học, dược, nông nghiệp, nghiên cứu vật liệu mới, công nghệ điện tử, thông tin…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở KHCN thành phố Phan Minh Tân đánh giá, các hoạt động KHCN của thành phố là chưa xứng tầm, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển của một thành phố có quy mô gần 8 triệu người. Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trình độ cao chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện rời rạc. Vấn đề dự báo nhu cầu nguồn nhân lực KHCN của thành phố còn rất yếu kém.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học dù đã tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt đội ngũ chuyên gia đầu ngành về công nghệ sinh học, nano, vi mạch, tự động hóa thiếu hụt nghiêm trọng.
Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong lĩnh vực KHCN còn chưa thường xuyên, có nơi còn thể hiện sự thiếu hợp tác. Các chính sách thu hút và phát huy năng lực sáng tạo đối với trí thức, đặt biệt là trí thức trẻ vẫn chưa được quan tâm giải quyết.
Bên cạnh đó công tác chỉ đạo, đặc biệt là cơ chế đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu các sản phẩm KHCN còn hạn chế.
Tập trung tháo gỡ rào cản về cơ chế
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp tích cực của lực lượng làm công tác KHCN TP. Hồ Chí Minh trong sự phát triển chung của đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định, tiềm năng nghiên cứu và ứng dụng KHCN của TP. Hồ Chí Minh còn rất lớn, nếu tập trung và quyết tâm tháo gỡ những rào cản về cơ chế, sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế của thành phố.
UBND TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế giao nhiệm vụ, chỉ tiêu liên quan đến KHCN về Sở KHCN, trên cơ sở đó các sở, ngành liên quan sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ này, để KHCN thực sự đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường hỗ trợ đầu tư vốn cho tương xứng với các hoạt động KHCN. Phó Thủ tướng hoan nghênh Sở Y tế thành phố thành lập phòng KHCN trực thuộc Sở.
Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng đưa Sàn giao dịch KHCN của thành phố vào hoạt động.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm KHCN cả nước, nhưng mỗi năm TP. Hồ Chí Minh chỉ có từ 50-100 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích. Trong đó chỉ có 20% số đơn được chấp nhận cấp phép. Trong 5 năm chỉ có 168 đề tài KHCN được ứng dụng vào cuộc sống. Kinh phí nghiên cứu KHCN của cả thành phố trong giai đoạn 5 năm (2006-2010) chỉ đạt 305 tỷ đồng. Kinh phí sự nghiệp khoa học của TP. Hồ Chí Minh cấp cho 24 quận huyện năm 2010 còn rất hạn chế, bình quân chỉ có 100 triệu đồng/quận, huyện.
Từ Lương
(Theo website Lê Hoàng Quân)
0 comments:
Đăng nhận xét