Trong hai ngày 26 và 27/5/2011, phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài như AFP (Pháp), Reuters (Anh), Kyodo News, NHK (Nhật Bản), Tân Hoa xã (Trung Quốc); và một số cơ quan báo chí trong nước như Truyền hình Việt Nam (VTV4), Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao),… đã lên Điện Biên để tìm hiểu thực trạng vụ việc gây mất trật tự xã hội tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) như báo chí đã loan tin hồi đầu tháng 5/2011.
Ngay sau khi tới địa phương, đoàn đã làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên và một số cơ quan chức năng của tỉnh để nghe thông báo cụ thể về diễn biến, nguyên nhân xảy ra và kết quả xử lý vụ việc.
Thông báo khái quát tình hình chung của tỉnh và diễn biến, nguyên nhân, kết quả xử lý vụ việc, bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã một lần nữa bác bỏ những thông tin sai sự thật do một số hãng thông tấn và cơ quan truyền thông nước ngoài liên tiếp đưa ra trong tháng Năm về cái gọi là “bạo động” của người Mông tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Nhiều thông tin bịa đặt, hoàn toàn không sử dụng vũ lực
Thông tin của một số hãng báo chí nước ngoài nêu chính quyền đã dùng vũ lực để giải tán vụ “bạo động” và “nhiều người Mông tham gia đã bị bắt và có người chết” là hoàn toàn bịa đặt, có dụng ý xấu.
Trên thực tế, trong các ngày từ 30/4 đến 6/5/2011, trên một số địa bàn thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, một số phần tử cực đoan đã dùng nhiều thủ đoạn kích động, lừa mị về sự xuất hiện “thế lực siêu nhiên” nhằm lôi kéo, cưỡng bức hàng ngàn đồng bào dân tộc Mông từ nhiều nơi kéo về khu vực bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, để thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng chống đối chính quyền, gây mất trật tự xã hội của các phần tử quá khích trong và ngoài nước.
Việc chính quyền huyện Mường Nhé huy động các cơ quan, đoàn thể tiến hành các biện pháp nhằm ngăn cản những kẻ cầm đầu vì đã tiến hành các hoạt động quá khích như tổ chức người canh gác, hình thành vùng quản lý riêng, ngăn cản hoạt động đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân trong khu vực, hoạt động của cán bộ chính quyền địa phương, khống chế người thi hành công vụ và đưa ra những điều kiện, yêu sách trái pháp luật, là hoàn toàn phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Trong quá trình giải tán đám đông tụ tập gây mất trật tự xã hội, chính quyền huyện Mường Nhé hoàn toàn không có sử dụng vũ lực, chỉ tổ chức các đội công tác của các đoàn thể quần chúng, vận động đồng bào không nghe theo kẻ xấu, tự nguyện trở về nơi cư trú, tổ chức chữa trị bệnh tật, chăm sóc y tế cho đồng bào bị ốm đau, đặc biệt là người già và trẻ em nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại đây. Đến nay, những người Mông đến từ các địa phương khác đã trở về nơi cư trú. Chính quyền địa phương đã bố trí phương tiện, trợ cấp tiền, lương thực cho đồng bào trở về an toàn. Không có ai bị thương, bị chết. Một số rất ít đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để giáo dục.
Tình hình Mường Nhé đã trở lại bình thường
Tình hình Mường Nhé đã trở lại bình thường, an ninh trật tự được bảo đảm. Đồng bào các dân tộc ở Mường Nhé đã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 22/5/2011 với tỷ lệ 99,34%.
Các nhà báo của các hãng thông tấn nước ngoài và cơ quan báo chí trong nước cũng đã đến làm việc với chính quyền huyện Mường Nhé và xã Nậm Kè huyện Mường nhé, đồng thời trực tiếp đến bản Huổi Khon, nơi người dân tụ tập từ ngày 30/4/2011 đến 01/5/2011 để nắm rõ hơn tình hình thực tế.
Khi được các nhà báo hỏi về vụ việc vừa qua, ông Giàng A Kỷ, Bà Vàng Thị Páo ở Bản Huổi Khon và một số người khác đều khẳng định việc làm của những kẻ cầm đầu vừa qua là sai và trái với pháp luật, lừa mị dân, gây cho người dân thêm khó khăn trong cuộc sống; đề nghị chính quyền nghiêm trị những phần tử này và có sự thông cảm về sự ngộ nhận của người dân, tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn cho nhân dân yên ổn làm ăn, sinh sống.
Các buổi làm việc và đi thực tế đã tạo điều kiện cho các nhà báo hiểu thêm về chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân, tự do tín ngưỡng và sự bình đẳng của cộng đồng các dân tộc; đồng thời kiên quyết bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Việt Nam luôn thực thi các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, hiện nay đồng bào các dân tộc ở huyện Mường Nhé đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nhà ở, đường giao thông, nước sạch, trường học, chăm sóc y tế… Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào huyện Mường Nhé ngày càng được cải thiện. Đồng thời, các nhà báo cũng thấy rõ việc chính quyền huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên không cản trở bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào muốn đến địa phương để tìm hiểu sự việc một cách khách quan, theo đúng quy định của pháp luật./.
VNA
le thanh hai
(Theo www.lehoangquan.net)